Ban quý tế Đình làng Nam Bộ

Bàn thờ thần Thành hoàng Nguyễn Hữu Cảnh ở đình Mỹ Phước

Tên cũ là Ban Hương chức hội tề, hay Ban tế tự, gồm nhiều người có đạo đức tốt, có nhiều cống hiến cho đình, cho làng. Theo nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường thì đại khái chia ra làm ba loại hương chức:

  • Hương chức loại 1: tức hương chức Hội chánh, gồm có: Kế hiền (Hội trưởng); Chánh bái (hay Chánh niệm hương), Phó bái, Bồi bái, Tiên bái (bốn chức chung lo việc ngoại vụ); Chánh tế, Phó tế, Bồi tế (ba chức chung lo việc nội vụ).
  • Hương chức loại 2: tức hương chức Hội tề, gồm có: Giáo sư (cố vấn mọi mặt), Hương quan (cố vấn nghi lễ, tục lệ), Hương lễ (chỉ huy ban lễ sinh), Hương nhạc (chỉ huy ban nhạc lễ), Hương văn (soạn thảo văn tế), Hương ẩm (tổ chức tiệc tùng), Thủ bổn (lo việc sổ sách và kiểm tra lễ vật), Thủ từ (giữ đình, lo việc đèn nhang mỗi ngày).
  • Hương chức loại 3: tức hương chức Hội hương hay Ngoại hội tề, gồm những người phụ giúp việc đình miếu.

Một điều khác lạ là ở Nam Bộ, dù là người đỗ đạt cao hay làm quan to thì cũng chỉ là khách quý khi về dự cúng đình chứ không được đứng làm chủ tế.

Một điều khác nữa là ở Nam Bộ không hề phân biệt dân cố cựu, dân ngụ cư. Dân mới cư ngụ đôi ba năm, vẫn có thể được cử làm hương chức. Và ở đây cũng không hề có trường hợp bắt họ phải làm "thằng mỏ".

Có thể nói Ban quý tế đình miếu ở Nam Bộ là một tổ chức bảo vệ văn hóa truyền thống ở nông thôn. Tuy có nơi, họ bị mang tiếng là bọn xôi thịt; nhưng đa phần đều là những người đáng kính, bởi họ thường gia nhập một cách tự nguyện, tự giác, bổn phận nhiều hơn quyền lợi.[10]